Tiểu thuyết tiếp theo của nhà văn Minh Nhật là một sự phối trộn hài hoà giữa điều
làm nên tên tuổi của anh – những câu chuyện tình, và thứ nhiều khả năng sẽ là
xu hướng mới của văn học trẻ những năm tiếp theo – trinh thám.
Nhân vật chính trong “Âm thanh của im lặng” là nhân vật “tôi”. “Tôi” là một chàng trai,
đã qua tuổi niên thiếu nhưng chưa chạm ngưỡng đàn ông, sống một mình cùng chú
chó được đặt tên A.K. Cuộc đời nhân vật “tôi” không có nhiều điều đặc biệt, trừ một
vùng sáng rực rỡ mang dáng hình cô gái tên Bảo. Cô gái ấy bước vào cuộc đời anh,
rồi đột ngột biến mất, chỉ để lại một chuỗi mật mã khó hiểu, cuộc đời chàng trai trẻ
mãi mãi không còn bình yên.
Năm năm sau, những sự kiện kì lạ bắt đầu xảy ra xung quanh cuộc sống tưởng
chừng rất đỗi bình thường của nhân vật “tôi”, làm dấy lên trong anh ta những nghi
ngờ về người con gái đã biến mất. Sự việc càng bị đẩy đi xa hơn trên thang đo kinh
hoàng, khi mọi người xung quanh “tôi” bắt đầu bị giết, một cách man rợ, bởi một kẻ
thủ ác vô hình. Cái chết nối tiếp cái chết, nhưng không có sự thật nào được đưa ra
ánh sáng. Tình huống tuyệt vọng buộc nhân vật “tôi” phải bắt tay vào cuộc điều tra
của chính mình.
Nhà văn Minh Nhật
“Âm thanh của im lặng” dễ khiến những độc giả cuồng trinh thám – những người tìm
đọc một cuốn sách với mong muốn không gì hơn được chứng kiến những vụ giết
người, những cái chết tinh vi và một kẻ thủ ác giấu mặt, cảm thấy hụt hẫng. Cũng
không có gì lạ. Minh Nhật tạo ra một vụ án – một tên hung thủ giết người hàng loạt,
nhưng anh không chủ đích xây dựng hình ảnh một người anh hùng – viên thám
tử/thanh tra lừng lẫy tay nghề để bắt tay phá vụ án đó. Ngược lại, anh tạo ra một
nhân vật – một kẻ vô tình bị cuốn vào tội ác ấy, và để anh ta trải nghiệm, một cách
chậm rãi, nỗi kinh hoàng len lỏi vào từng tế bào trong cơ thể. Và chính anh ta, chứ
không ai khác, sẽ là người quyết định sẽ buông xuôi, hay tranh đấu đến phút cuối
cùng cho mạng sống của mình.
Lối viết về một vụ án – nhưng lại kể nhiều đến những vấn đề không liên quan trực
tiếp đến vụ án trong “Âm thanh của im lặng” gợi nhớ đến những chương truyện của
tác giả trinh thám Michel Bussi. Tiểu thuyết trinh thám của Michel Bussi cũng bị
không ít độc giả yêu thích thể loại này tại Việt Nam phàn nàn vì tác giả thường đi
quá sâu vào tâm lí nhân vật và những câu chuyện bên lề thay vì chú tâm tìm ra hung
thủ và cách gây án. Một cuốn tiểu thuyết trinh thám, nhưng trung tâm của nó không
phải tìm cách phá án, đây có lẽ là khái niệm còn mới mẻ đối với các độc giả trong
nước.
Đừng đọc “Âm thanh của im lặng” theo cách bạn đọc những cuốn sách trinh thám
thông thường – thu nhặt các dữ kiện, và chăm chăm vào hung thủ. Hãy tìm một góc
nhìn khác để tiếp cận cuốn sách này. Nếu dành cho nó đủ sự kiên nhẫn và công
tâm, người đọc sẽ nhận ra được vẻ đẹp ẩn giấu trong từng chương hồi hay lớp lang
sự kiện. Đừng hấp tấp, nóng vội, hãy cứ đơn giản là đọc, và thả mình theo các nhân
vật.
“Âm thanh của im lặng” có lẽ là cuốn sách lập kỉ lục về số nhân vật cùng xuất hiện
trong gia tài văn chương của Minh Nhật. Có trên dưới một chục nhân vật đã xuất
hiện, hoặc đơn giản là lướt qua cuốn sách này, nhưng mỗi người trong số họ đều có
một diện mạo, tính cách gắn với các câu chuyện bên lề. Độc giả sẽ nhận ra được
tính cách của họ, con người họ qua từng cử chỉ, lời nói hay cách họ giải quyết một
vấn đề. Tất cả họ đều không trùng lặp, và là độc nhất trong cuốn sách này.
Bên cạnh việc xây dựng nhân vật, Minh Nhật còn khiến độc giả bất ngờ khi trong
cuốn sách này, anh sử dụng rất nhiều những kiến thức chuyên sâu về dược lí hay
giải phẫu – vốn không dễ dàng để tìm hiểu hay nghiên cứu. Sự đầu tư này cũng góp
phần củng cố thêm tính logic mà một tiểu thuyết trinh thám cần phải có.
Tác giả Minh Nhật đã viết “Âm thanh của im lặng” khi đã hiểu mình cần phải làm gì –
và biết mình đang làm gì. Anh là một tác giả trẻ, một “Hoàng tử teen story” những
năm về trước, một trend-setter cho văn học trẻ Việt Nam. Giờ đã đến lúc cho một
điều gì đó mới mẻ. Không thể phủ nhận việc “Âm thanh của im lặng” chưa phải một
tác phẩm nằm ở trung tâm của thể loại trinh thám thuần tuý, nhưng nó là bước khởi
đầu đầy triển vọng, mở đường cho những sáng tạo tiếp theo của anh ở thể loại khó
viết nhưng gây nhiều hứng thú khi đọc này.
“Âm thanh của im lặng” là một sự pha trộn hài hoà giữa ngổn ngang suy tư của một
người trưởng thành – điều đã làm nên phong cách của Minh Nhật, và bước đầu của
thể loại trinh thám nhiều tiềm năng.